Hiểu rõ nguyên tắc Agile: Định nghĩa và ứng dụng

Nguyên tắc Agile không chỉ là một phương pháp quản lý dự án, mà còn là một triết lý thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự phát triển và làm việc nhóm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đào sâu vào định nghĩa nguyên tắc Agile và khám phá 12 nguyên tắc quan trọng giúp hình thành nền tảng cho môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo.

1. Định nghĩa nguyên tắc Agile

Agile là một phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt, dựa trên 4 giá trị và 12 nguyên tắc cốt lõi. Agile giúp các nhóm phát triển phần mềm có thể thích ứng nhanh chóng với thay đổi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường một cách hiệu quả. 

4 giá trị Agile bao gồm: 

  • Con người và tương tác hơn là quy trình và công cụ 
  • Sản phẩm hoạt động hơn là tài liệu chi tiết 
  • Hợp tác khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng 
  • Phản ứng thay đổi hơn là tuân theo kế hoạch 
4 giá trị trong Agile
4 giá trị trong Agile

2. 12 nguyên tắc Agile

Nguyên tắc 1: Ưu tiên làm hài lòng khách hàng thông qua việc bàn giao sản phẩm/ phần mềm có giá trị trong thời gian sớm nhất và liên tục 

Mục tiêu của nguyên tắc này là đáp ứng và vượt qua mong đợi của khách hàng bằng cách liên tục cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực sự của họ. 

Nguyên tắc 2: Sẵn sàng cho những thay đổi 

Thay đổi trong dự án là không thể tránh khỏi, nhưng không phải mọi thay đổi đều mang tính tiêu cực. Thực tế, những thay đổi thường là cần thiết để tối ưu hóa sự cạnh tranh cho khách hàng. Sẵn sàng đón nhận những thay đổi không có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận mọi yêu cầu từ phía khách hàng mà nhiệm vụ của đội ngũ Agile là sẵn sàng ứng phó với những thay đổi bằng cách tìm hiểu, tư vấn, và đề xuất những giải pháp hợp lý phù hợp với từng tình huống cụ thể. 

Nguyên tắc 3: Cung cấp phần mềm hoạt động trong thời gian ngắn, từ 1 vài tuần đến một vài tháng 

Tư tưởng của hầu hết mọi người là mong muốn chuẩn bị một cách hoàn hảo trước khi công bố hoặc bàn giao sản phẩm/ phần mềm. Tuy nhiên, việc này có thể gây phản tác dụng nếu công việc được “ngâm” quá lâu, bởi vì kết quả cuối cùng có thể trở nên không phù hợp với nhu cầu khách hàng khi thời gian trôi qua. Để tránh tình trạng này, việc thu thập ý kiến phản hồi sớm và đều đặn sẽ giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận sản phẩm, từ đó tránh được việc sản phẩm/ phần mềm khác xa so với mong đợi của họ. 

Nguyên tắc 4: Người kinh doanh và nhà phát triển phải làm việc cùng nhau hàng ngày trong suốt dự án 

Giao tiếp là một thành phần quan trọng trong sự thành công của bất kỳ dự án nào và nguyên tắc Agile cho rằng giao tiếp nên sự kiện hàng ngày. Một sản phẩm thành công đòi hỏi cái nhìn sâu sắc từ các khía cạnh kinh doanh và kỹ thuật của một tổ chức, điều này chỉ có thể xảy ra khi hai nhóm này có thể làm việc một cách nhất quán.  

Nguyên tắc 5: Xây dựng dự án xung quanh những cá nhân nhiệt huyết. Cung cấp cho họ môi trường và sự hỗ trợ cần thiết, đồng thời tin tưởng họ sẽ hoàn thành công việc

Một phần quan trọng của nguyên tắc Agile là trao quyền cho các cá nhân và nhóm thông qua sự tin tưởng và quyền tự chủ. Nhóm Agile cần được xây dựng cẩn thận để mỗi dự án được phân cho đúng người và có khả năng hoàn thành công việc, đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm trước khi bắt đầu dự án.  

Nguyên tắc 6: Đối thoại trực tiếp là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc truyền đạt thông tin 

Trong nguyên tắc Agile đề cao việc giao tiếp hiệu quả bằng việc đưa các cuộc trò chuyện ra khỏi slack, email, viber,… đồng thời khuyến khích sự tương tác giữa con người với nhau nhiều hơn (ngay cả khi được thực hiện bằng cuộc gọi hội nghị video). Mục tiêu tổng thể đằng sau nguyên tắc này là khuyến khích những người làm sản phẩm và nhà phát triển thực sự trao đổi trong thời gian thực về sản phẩm, các yêu cầu và chiến lược nhằm nâng cao tiến độ và chất lượng công việc. 

Nguyên tắc 7: Phần mềm hoạt động là thước đo chính của tiến độ dự án 

Nguyên tắc Agile nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phần mềm do đó, tài liệu đầy đủ chỉ là thứ yếu so với việc phần mềm chạy được. Tâm lý này thúc đẩy việc đưa sản phẩm/ phần mềm ra thị trường một cách nhanh chóng thay vì để tài liệu hoặc tâm lý “không làm cho đến khi tài liệu hoàn hảo” trở thành nút thắt. Chính vì thế, thước đo cuối cùng cho sự thành công là sản phẩm/phần mềm hoạt động và được khách hàng yêu thích. 

Nguyên tắc 8: Phát triển bền vững và duy trì việc phát triển liên tục

Việc đẩy nhanh lịch trình phát hành có thể gây khó khăn cho cả team khi thời gian làm việc phải tăng lên, tần suất OT (overtime – tăng ca) dày đặc. Agile nhận ra rằng việc suy trì tốc độ bền vững là phương pháp tốt nhất để tăng năng suất, giúp các thành viên trong nhóm cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ngăn chặn tình trạng kiệt sức dẫn đến chuyển việc. 

Nguyên tắc 9: Liên tục quan tâm đến kỹ thuật và thiết kế để tăng tính linh hoạt 

Mặc dù Agile khuyến khích các chu kỳ ngắn và phát hành thường xuyên, nhưng nó cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc giữ cấu trúc dự án, thiết kế gọn gàng và ngăn nắp để chúng không gây ra vấn đề trong tương lai.  

Nguyên tắc 10: Đơn giản – Nghệ thuật tối đa hóa số lượng công việc 

Nhiều doanh nghiệp thường áp dụng những quy trình làm việc phức tạp và cồng kềnh, trong khi đó, phương pháp Agile đặt ra yêu cầu về sự linh hoạt và sự uyển chuyển. Agile hướng đến việc đơn giản hóa mọi khía cạnh, loại bỏ những công việc không cần thiế, đề xuất giải pháp thay thế, giúp giảm độ phức tạp và tăng hiệu suất. Thay vì mắc kẹt trong các quy trình cồng kềnh mà không mang lại giá trị, Agile hướng đến việc tối giản hóa để tập trung vào những công việc quan trọng nhất. 

Nguyên tắc 11: Các kiến trúc, yêu cầu và thiết kế tốt nhất xuất hiện từ các nhóm tự tổ chức 

Nguyên tắc Agile nhấn mạnh để đội ngũ có thể tạo ra nhiều giá trị nhất, hãy cho họ quyền tự tổ chức, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Agile chú trọng vào tính chủ động của đội ngũ. Khi có tính chủ động, đội ngũ có cơ hội để khám phá nhiều ý tưởng và phương pháp sáng tạo, điều này dẫn đến việc hoàn thành công việc một cách xuất sắc. 

Nguyên tắc 12: Suy nghĩ định kỳ về cách làm việc hiệu quả hơn, tiến hành điều chỉnh cho phù hợp 

Trong nguyên tắc Agile sẽ không có chỗ cho việc “chúng tôi không thể thay đổi do chúng tôi luôn làm theo cách này”. Agile không tuân theo một quy trình được xác định nghiêm ngặt mà luôn được cải tiến liên tục. 

12 nguyên tắc Agile
12 nguyên tắc Agile (Nguồn: Agilealliance)

3. Ứng dụng Agile trong phát triển sản phẩm và quản lý dự án 

Những cách mà Agile được ứng dụng trong các dự án và quá trình phát triển sản phẩm: 

  • Phương pháp phát triển Sprint 

Agile sử dụng phương pháp phát triển theo chu kỳ ngắn gọi là Sprint, thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần. Trong mỗi Sprint, một số tính năng hoặc công việc được hoàn thành và có thể sẵn sàng cho triển khai. 

  • Product Backlog và Prioritization 

Product Backlog là danh sách các yêu cầu và tính năng được quản lý dựa trên ưu tiên. Sự ưu tiên hóa linh hoạt này giúp tập trung vào việc phát triển các tính năng quan trọng nhất đầu tiên, những tính năng ít quan trọng hơn sẽ được triển khai vào cuối cùng. 

  • Trao đổi liên tục với khách hàng 

Agile khuyến khích việc liên tục tương tác với khách hàng để thu thập phản hồi về sản phẩm/ phần mềm. Các buổi demo và cuộc họp thường xuyên giúp định rõ và thay đổi yêu cầu theo thời gian. 

  • Retrospective Meetings 

Họp Retrospective sau mỗi Sprint giúp đội ngũ xem xét công việc đã làm và đề xuất cải tiến. Điều này giúp duy trì và cải thiện chất lượng làm việc theo thời gian. 

  • Continuous Integration và Continuous Delivery (CI/CD) 

CI/CD hiện nay được áp dụng rộng rãi vào quy trình làm việc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực IT. Một quy trình CI/CD hoàn chỉnh có thể được triển khai như sau: Lập trình viên commit mã nguồn (đưa mã nguồn lên máy chủ). Quy trình CI/CD sẽ tự động kích hoạt quá trình biên dịch (build), thực hiện kiểm thử, và triển khai sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được chuyển giao tiếp tục đến người dùng một cách tự động. 

Trong hành trình phát triển và không ngừng biến động trong ngành công nghiệp phần mềm, nguyên tắc Agile đã trở thành một quy chuẩn giúp định hình lại cách chúng ta làm việc và phát triển sản phẩm. Tính linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng và tập trung vào giá trị cho khách hàng đã biến nguyên tắc Agile không chỉ là một phương pháp quản lý dự án mà còn trở thành văn hóa làm việc mẫu mực. 

Mong rằng những chia sẻ trên đã mang đến thông tin hữu ích về các nguyên tắc trong Agile. Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực Business Analyst, hay Project Management đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất tại iPMAC’s Blog. 

Top khoá học

Các bài viết liên quan

Đánh giá của đối tác & học viên

Các chuyên gia và sinh viên công nghệ tiềm năng bước ra từ iPMAC nói gì về khóa học?

Tìm kiếm khóa học

Nhận tư vấn

(024) 3771 0668

ĐĂNG KÝ HỌC